Ngày 7/10 (nhằm ngày 14/9 Âm lịch), hàng nghìn khách tham quan du lịch và người dân địa phương đã tập trung về khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận để hành hương và tham dự Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím La Gi năm 2014.
Đây là một lễ hội được tỉnh Bình Thuận chọn là một trong năm lễ hội trọng điểm để phát triển du lịch của tỉnh.
Với chủ đề “Trăng Thu xứ biển,” lễ hội năm nay được tổ chức độc đáo với nhiều nội dung mới lạ nhằm gìn giữ lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc gắn với quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Bình Thuận.
Phần lễ mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc sắc được tái hiện qua những lễ nghi như lễ nghinh thần, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia…
Qua các nghi lễ, khách hành hương có thể cảm nhận một cách rõ nhất những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, giá trị tâm linh. Bên cạnh đó, diễn ra liên tục từ ngày 6-8/10, phần hội năm nay được mở rộng hơn với nhiều hoạt động đa dạng và hấp dẫn mang phong vị vùng biển và tạo được ấn tượng về lễ hội trong lòng du khách như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, thi cộ bánh, đấu cờ người, kéo co…
Du khách đến với lễ hội Dinh Thầy Thím được hòa mình vào những trò chơi dân gian hấp dẫn. Khu di tích không chỉ hấp dẫn bởi khung cảnh thiên nhiên núi rừng, mà còn có sức cuốn hút, mời gọi du khách bởi bãi cát dài, biển xanh, thưởng thức hương vị biển…
Theo Ban tổ chức, nhiều người dân và du khách thập phương đã bắt đầu đổ về Dinh gần một tuần trước để hành hương, cúng bái. Lễ hội văn hóa du lịch dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, ghi khắc công đức của các bậc tiền nhân khoảng hơn 130 năm qua.
Lễ hội về sự tích Thầy Thím là tài sản vô giá của nhân dân làng Tam Tân, thị xã La Gi nói riêng và Bình Thuận nói chung. Mỗi năm Lễ hội dinh Thầy Thím cùng với thắng cảnh Ngảnh Tam Tân thu hút khoảng 300.000 lượt khách đến viếng, dâng hương tại Dinh và kết hợp tham quan, nghỉ ngơi tại thị xã La Gi./.
Truyền thuyết về Dinh mộ Thầy Thím huyền bí
Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn.Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc của Thầy. Từ nơi Thầy đóng thuyền ra cửa biển Tam Tân gần 2 km, không biết bằng sức mạnh vô hình nào đó mà Thầy đã đưa những chiếc thuyền đóng mới đến tận cửa biển giao cho khách hàng. Hiện nay trong khu rừng Bàu Cái có một bàu nước có tên là đường lướt ván mà nhân dân địa phương tương truyền rằng đó là dấu vết của con đường xưa kia Thầy đã đẩy những chiếc thuyền xuống cửa biển.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã. Một hôm dân làng Tam Tân được tin Thầy Thím đã thác, dân làng đến nơi thấy có sẵn hai chiếc quan tài lòng ai cũng ngậm ngùi thương xót và đem mai táng ở khu rừng Bàu thông gần đó. Để tỏ lòng biết ơn công đức của Thầy Thím lúc sinh thời, nhân dân trong làng đã chung sức lập Dinh Thầy Thím tại khu rừng Bàu Cái. Những năm sau khi Thầy Thím qua đời, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch hàng năm người ta thường có đôi bạch hổ từ trong rừng sâu về canh giữ và tảo mộ Thầy Thím. Về sau khi đôi bạch hổ qua đời nhân dân đã an táng xác bạch hổ bên cạnh mộ Thầy Thím.
Theo: dulichbinhthuan.com