Những câu đố thú vị chỉ xuất hiện ở các khu chợ nổi miền Tây sông nước. Hình ảnh các con thuyền chở đầy ắp hàng hóa đầy sắc màu len lỏi trên con sông miền Tây đã kéo du khách đến với chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang, khu chợ trên sông tấp nập bậc nhất cả nước.
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang là khu chợ trên sông tấp nập bậc nhất cả nước
Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện tại các vùng có tuyến giao thông chính là sông nước, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Cụ thể hơn, chợ nổi thường xuất hiện tại các khúc sông tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Bởi nếu sâu quá sẽ gây khó khăn cho việc neo thuyền.
Trái cây được bày bán trên chợ nổi đầy bắt mắt
Chợ nổi được hình thành đầu tiên ở vùng đất phía Bắc sông Hậu vào khoảng thế kỷ XVIII, cùng với giai đoạn miền Nam đang trong quá trình khai phá, khai thông kênh rạch và lập làng, lập ấp. Cũng cùng giai đoạn này, ở Trung Quốc đang trong giai đoạn thiết lập nên triều đại mới (triều Thanh), nên những người thuộc Minh triều phản Thanh bỏ trốn đến các vùng thuộc Đông Nam Á, trong đó có Gia Định, Việt Nam. Vì yếu tố chính trị nên những người gốc Hoa này không ở cố định một chỗ mà sinh sống trên ghe xuồng, di chuyển đến khắp nơi giao thương, buôn bán.
Chợ nổi đã được hình thành từ rất lâu
Trên thuyền họ chất đầy hàng hóa, chủ yếu là các loại nông sản, trái cây theo mùa. Ngày xưa chỉ có xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản, bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu đáng quý hơn. Họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông và rộng rãi như mặt nước sông hồ. Nhìn nhau mà đi, nhường nhịn nhau mà sống.
Ăn bún mắm trên chợ nổi lúc sáng sớm
Muốn biết các ghe thuyền và các cư dân sông nước đến từ địa phương nào, chỉ cần nhìn vào mạn thuyền, trên thuyền có ghi mã tỉnh được viết tắt bằng 2 chữ cái đầu. Ví dụ, trên thuyền ghi "VL" thì thuyền đó đến từ Vĩnh Long. Chợ nổi là nơi tụ họp của rất nhiều cư dân đến từ khắp mọi miền trên đất nước.
Mỗi ngày, chợ có trung bình khoảng 200 phương tiện ghe, thuyền neo đậu, mua bán, trao đổi hàng hóa ken đặc cả một khúc sông. Hàng hoá ở đây vô cùng đa dạng và phong phú, du khách có thể tìm thấy các loại trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè… hay những món đặc sản như kẹo dừa, cốm nổ, mật ong,... với giá cả hợp lý cùng sự thân thiện, nụ cười hồn hậu của những người bán hàng luôn mang đến cho người mua, đặc biệt là những du khách cảm giác vui vẻ, thích thú. Ngoài những mặt hàng nông sản thông thường thì trên thuyền còn bày bán từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,… không thua gì một ngôi chợ trên bờ và đôi khi còn thú vị hơn bởi sự dịch chuyển liên tục.
Mỗi ngày, chợ có trung bình khoảng 200 phương tiện ghe, thuyền neo đậu, mua bán, trao đổi hàng hóa ken đặc cả một khúc sông
Phần lớn ghe có tải trọng trung bình khoảng từ 2-2,5 tấn, rộng 2 mét, dài chừng 5-7 mét. Có những ghe không chỉ dùng để buôn bán mà còn là nơi mà người dân sinh sống từ đời này sang đời khác ở đó. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này "cây bẹo". Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại nông sản mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, hay còn gọi là cách tiếp thị “Treo gì bán nấy”, giúp cho các thuyền khác đi từ xa tới có thể dễ dàng nhìn thấy được.
Người ta gọi cây này là "cây bẹo" nơi treo những sản vật mà thuyền bán
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt đầy thú vị sau:
"Cái gì treo mà không bán?" Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó "mặt hàng" này họ không bán.
"Cái gì bán mà không treo?" Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được.
"Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?" Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.
Cảnh chợ nổi khi hoàng hôn buông xuống
Thời điểm đẹp nhất khi ghé thăm chợ nổi chính là lúc bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống. Vào hai khoảng thời gian này, khu chợ dường như tấp nập hơn hẳn, lấp lánh những chiếc đèn treo trên thuyền làm óng ánh dưới mặt nước vô cùng thi vị. Ngồi trên thuyền vào buổi sớm, ta vừa nghe tiếng máy ghe nổ vừa hì hụp ăn tô bún mắm, nhấm nháp ly cà phê buổi sáng ngọt ngào như tiếng người miền Tây, là một trải nghiệm khó lòng quên được cho du khách đến từ phương xa.
(Sưu tầm )