icon
0949 970 654 - 0961 8666 34  (Hotline)  

Tour Xem Nhiều

LỄ HỘI

Lễ hội " Lồng Tồng "
Lễ hội “Lồng tồng” là một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc

      Lễ hội truyền thống luôn mang trong mình những đặc trưng của tự nhiên và xã hội; thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đa dạng và phong phú; là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tộc người. Nó có một vai trò, vị trí khá quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội cộng đồng đặc biệt là cộng đồng làng xã.

      Hằng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, ở khắp các bản làng của tộc người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc lại nô nức chờ đón những ngày hội rộn ràng của lễ hội Lồng tồng (lồng thồng, Lùng tùng…), hay còn gọi là Oóc tồng, nghĩa là xuống đồng (lồng là xuống, tồng là đồng). Do vậy, lễ hội Lồng tồng là lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới; trong lễ hội còn có lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc… Lễ hội Lồng tồng là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa tộc người Tày, Nùng ở các bản làng địa phương rất độc đáo. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau; đồng thời cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô  gái, chàng trai bằng những lời hát then sli, lượn… Lễ hội thường được tổ chức sau dịp Tết, vào khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 25 tháng Giêng, tùy theo phong tục của từng địa phương mà tổ chức khác ngày nhau và thời gian thường kéo dài trong 3 ngày. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, lễ hội Lồng tồng, có thể thấy được hệ thống các giá trị văn hóa, vai trò, vị trí và mối quan hệ của nó trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc. Lễ hội Lồng tồng rất phong phú cả về phần lễ và phần hội, có thể xem như một “Bảo tàng sống”, nói lên hoạt động phong phú, sinh động đời sống tâm linh của tộc người.

      Ngày nay, thông tin khoa học và công nghệ phát triển, sinh hoạt văn hóa lễ hội cộng đồng cũng được khôi phục và phát huy. Đây là vấn đề được các ngành, các cấp quan tâm, nhằm góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

      Không gian tổ chức Lễ hội Lồng tồng thường được diễn ra ở sân đình hoặc tại khu đất ruộng bằng phẳng giữa cánh đồng hay gò đất nơi thuận tiện cho hành lễ và vui hội. Địa phương nào không có đình thì chọn khu đất ruộng rộng nhất của cánh đồng để tổ chức. Nói đến Lễ hội Lồng tồng trước hết phải kể đến tục thờ thần thánh như: Thờ Thổ thần (đây là vị thần bảo vệ, che chở cho cộng đồng dân bản); thờ Thành hoàng của người Tày, Nùng ở đình (đây là vị thần quản lý địa phận lãnh thổ của bản, làng hay xã trên một khu vực rộng lớn; nơi ngụ cư của nhiều dòng họ trong không gian đất đai, núi sông). Theo tín ngưỡng của người Tày, Nùng, bản làng là nơi “sống gửi hồn, chết gửi xương”, có tác động mạnh mẽ đến sự an cư của con người và súc vật; bởi vậy, dân làng phải thờ Thành hoàng. Mặt khác, thờ Thành hoàng còn xuấn phát từ quan niệm của họ, muốn lạc nghiệp phải cầu trời phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, dân bản khỏe mạnh, thóc lúa đầy bồ, đầy kho, gia súc phát triển. Ngoài ra thờ Thần Thành hoàng còn để tưởng nhớ người có công khai sơn, phá thạch, lập làng bản.

      Trước khi diễn ra Lễ hội Lồng tồng, đồng bào dân bản làm công tác chuẩn bị rất chu đáo, như: Họp ban điều hành lễ hội gồm các cụ cao tuổi, có uy tín; sửa chữa, lau chùi, dọn vệ sinh sạch sẽ, trang trí đẹp đẽ trong đình, dựng nhà thờ Thần nông (gọi là kệ tồng) gồm 3 cấp tượng trưng cho Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên. Hướng đặt kệ tồng các thầy cúng chọn hướng tốt được dựng làm bằng tre, làm các đạo cụ cho trò chơi “sĩ, nông, công, thương”. Trồng cây nêu, làm quả còn, làm yến, làm bàn cờ, quân cờ, dây kéo co, chuẩn bị nỏ, mũi tên, hình nộm, cà kheo, đánh đu, đánh khăng, bi đá, bao, đáo.v.v.

      Về lễ vật cúng tế, tộc người Tày, Nùng chuẩn bị rất chu đáo cẩn thận, tất cả những người tham gia cũng như vật dùng đều phải sạch sẽ; các món ăn phải ngon, tinh túy, cầu kỳ, đẹp mắt như: Bánh khảo (sla cao) làm từ gạo nếp, lạc, vừng, đường được rang lên và xay thành bột; bánh bỏng (pẻng khô) cũng từ gạo nếp với nhựa cây khoai ngứa được đồ lên thành xôi rồi đưa vào cối giã bằng tay; ngoài ra còn có 2 loại bánh bỏng (thóc théc, khẩu sli) cũng được làm từ gạo nếp nhưng cách chế biến khác nhau; bánh chè lam (pẻng khinh); bánh chưng Tày (pẻng tổm, khẩu tổm); gà cúng phải là gà sống thiến béo có chân, đầu, mào đỏ đẹp; lợn đen tế phải từ 50kg trở lên; ngoài ra còn có thêm các loại sản phẩm nông nghiệp do dân bản trồng trọt, chăm sóc và các dụng cụ lao động sản xuất.v.v.

Các nghi thức của lễ hội gồm có:

* Xin Thần Thành hoàng cho mở lễ hội: Sau khi đặt các đồ cúng gồm thịt lợn, gà, rượu, nước, sla cao, thóc théc,  khẩu sli, tiền vàng.... lên bàn thờ, chủ lễ làm lễ xin Thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn mùa vàng bội thu, cây cối xanh tươi phát triển, nhà nhà ấm no, dồi dào sức khỏe và xin thần cho dân bản được phép tổ chức Lễ hội Lồng tồng; chủ lễ xin âm dương (đây là nghi lễ rất quan trọng thể hiện sự kính trọng ngưỡng mộ Thần linh).

* Chủ lễ làm lễ cúng tại nhà: Sau khi đặt các đồ cúng lên bàn thờ, ông chủ lễ báo cáo với tổ tiên, ông, bà, cụ kỵ, thưa Ngọc Hoàng thượng đế xin cho phép con cháu mở Lễ hội Lồng tồng và phù hộ độ trì cho họ mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, lúa nhiều hạt, vật nuôi chóng lớn, dân làng an khang, thịnh vượng.

* Sau khi chủ lễ làm lễ xin Thành hoàng, Thần nông cho dân làng được mở lễ hội xong, dân làng mới được đưa các mâm tồng cúng dâng lên Thành hoàng và Thần nông. Chủ lễ báo cáo với Thần linh kết quả một năm, dân làng làm ăn vất vả khó nhọc, có một vụ mùa tốt đẹp, mọi người trong bản luôn vui, khỏe; cảm ơn Trời, Đất, các Thần linh đã phù hộ,độ trìcho dân làng ăn nên làm ra... cây cối luôn xanh tốt; báo cáo toàn bộ con cháu trong dân bản Tế tửu tại đây cho vui Lễ hộiLồng tồng.

* Các trò diễntrong Lễ hội Lồng tồng gồm:

- Múa Sư tử, có múa chào Thần thánh, múa vui hội, múa báo đông, múa trò vui của khỉ...

- Múa võ (oóc quyền), có múa chào Thần thánh, múa gậy, múa côn, đoản đao, đinh ba chạc (Slamsla), múa đàn, múa quạt…

- Ném còn, kéo co, đấu gậy, cờ tướng, chọi chim, bắn nỏ, cau quay, đánh yến, đánh đáo, đánh bi, đánh khăng, đi cà kheo...

- Trong các trò vui chơi của người Tày, Nùng, trò hát then, Sli, lượn thu hút nhiều khách thập phương hơn cả. Các trò này được kéo dài từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc lễ hội, được đưa vào nhà và khắp thôn bản đều hát; nội dung hát chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới, đặc biệt các đôi trai gái thanh niên tìm hiểu nhau sau này trở thành vợ chồng...

* Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng là một nghi thức đặc trưng của văn hóa vùng, mang tính chất tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mưa, tín ngưỡng thờ mặt trời. Chứa đựng nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian, và cũng chính là Lễ hội cầu mưa của người làm nghề nông là nghề truyền thống của dân tộc Tày, Nùng với các nội dung chào mừng mùa xuân mới, mừng vụ mùa trước cho mùa vụ sau bội thu, cho mọi người, mọi nhà khỏe mạnh ấm no, hạnh phúc, bản làng yên vui.

Có thể nói, Lễ hội Lồng tồng là một trong những lễ hội truyền thống của tộc người Tày, Nùng ở khu vực phía Bắc, thực sự trở thành nơi bảo tồn, và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; được xem là một bảo tàng sống, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay Lễ hội truyền thống nói chung và Lễ hội Lồng tồng của tộc người Tày, Nùng nói riêng đã cho chúng ta nhiều giá trị, đó là:

1. Về giá trị văn hóa: Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng là nơi giao lưu giữa các loại hình văn hóa dân gian từ các nghi lễ, những câu truyện dân gian (huyền thoại, thần tích, các vị thần…) các làn điệu hát then, Sli, lượn, các trò chơi dân gian và các nghệ thuật trình diễn  khác. Lễ hội này đã trở thành bức tranh mô tả tương đối toàn diện đời sống văn hóa cộng đồng của tộc người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc; trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được sau một năm làm lụng vất vả trên ruộng đồng. Việc tổ chức Lễ hội là dịp để mọi người nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình; gạt bỏ đi các điều ác để hướng tới cái thiện, làm tan đi những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng trong cuộc sống hằng ngày, để có sự thanh thản; đồng thời, cũng qua đó nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân có công khai phá, xây dựng bảo vệ bản làng quê hương.

2. Về giá trị lịch sử: Lễ hội Lồng tồng là điểm hội tụ của nhiều thế hệ thuộc cộng đồng người Tày, Nùng. Thông qua Lễ hội, bằng những nghi thức, tín ngưỡng dân gian, chúng ta thấy được quá trình phát triển của tộc người qua các thời kỳ lịch sử. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, giáo dục tính nhân văn, khơi dậy giá trị tiềm ẩn của văn hóa làng bản và là điểm hội tụ có nhiều giá trị lịch sử của làng và của tộc người.

Lễ hội Lồng tồng được tổ chức hằng năm lưu truyền từ thế hệ nay sang thế hệ khác, gắn liền với công lao to lớn của vị nhân thần đã có công lao xây dựng quê hương, các vị tướng đã có công đánh giặc giữ làng và các vị thần phù hộ để cho nghề nông phát triển.Thông qua các nghi thức, các hình thức diễn xướng, các trò chơi truyền thống, có thể thấy được lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại, qua đó giáo dục truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt.

Dự Lễ hội, người xem không chỉ được chứng kiến các nghi thức về một hệ thống lễ với những động tác thuần thục, uy nghi mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao, mà còn có dịp cảm nhận được mối quan hệ hai chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng; quá khứ và hiện tại như hòa nhập với nhau vừa thiêng liêng, vừa huyền ảo. Truyền thống yêu làng, yêu nước được gìn giữ như một tài sản văn hóa cố kết cộng đồng của đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc nước ta.

3. Về giá trị kinh tế: Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng là những điểm du lịch hấp dẫn của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái…, là những địa phương có vị trí thuận lợi cho các tourdu lịch ở phía Bắc.

Tuy nhiên, để trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, Lễ hội Lồng tồng ở một số tỉnh phải có những điều chỉnh, đầu tư hợp lý; phải có kế hoạchtrùng tu, sửa chữa  theo đúng quy mô, nguyên trạng của nó trước đây; cần phải khắc phục lại mặt bằng, khuôn viên, để tạo không gian, cảnh quan môi trường cho Lễ hội. Điều này cần tới sự đóng góp của người dân và sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; đồng thời cần có sự khôi phục các hoạt động ở cả phần lễ và phần hội, để có được một Lễ hội Lồng tồng mang bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng.

4. Về giá trị xã hội trong đời sống đương đại: Có thể nói, Lễ hội Lồng tồng là những giá trị văn hóa, những chuẩn mực đạo đức được chắt lọc từ nhiều thế hệ. Đó là nếp sống, lối sống được hình thành trên những giá trị nhân văn của con người có tính đến sự phù hợp của các điều kiện tự nhiên và xã hội, ở những nơi người Tày, Nùng cư trú. Họ sống chân thành, mộc mạc, giàu lòng yêu thương, nhân ái, biết sẻ chia, biết kính trên nhường dưới, tôn kính lễ lên thánh thần; biết sống hài hòa với thiên nhiên, luôn làm điều thiện, tránh xa điều ác. Những giá trị này đã tạo nên bản chất tốt đẹp của người Tày, Nùng. Đó chính là điều kiện sống còn, là bản sắc văn hóa riêng giúp cho người Tày, Nùng có sức sống đã vượt lên trong mọi hoàn cảnh mà không bị hòa tan vào những dòng văn hóa khác.

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc được cải thiện đáng kể; nhiều chính sách đầu tư, xóa đói giảm nghèo của Nhà nước đã giúp đồng bào có cuộc sống khá hơn; nhiều gia đình đã thoát đói nghèo, ổn định cuộc sống, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng cây bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…; sự giao thương có nhiều khởi sắc, đời sống kinh tế nâng lên, trẻ em được đến trường, không còn thất học. Nhiều con em dân tộc Tày, Nùng đã trở thành cán bộ cao cấp, cán bộ có trình độ kiến thức chuyên môn các ngành, nghề và có vị trí trong xã hội. Cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm y tế) được xây dựng khang trang; các khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng; nhiều gia đình người Tày, Nùng đã sử dụng những đồ gia dụng hiện đại, đời sống tinh thần ngày một cải thiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi đáng phấn khởi đó, đang xuất hiện những xu hướng không lành mạnh: Một bộ phận trong giới trẻ chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ những giá trị văn hóa của dân tộc; sự thờ ơ của họ đã dẫn đến các giá trị văn hóa trong Lễ hội, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Tày, Nùng nhanh chóng bị mai một. Thực trạng đó đang đặt ra cho chúng ta cần có các chủ trương và giải pháp đồng bộ với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành… để gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Lễ hội đầu xuân năm mới của dân tộc Tày, Nùng nước ta.

                                                                                                      Bài và ảnh: Tiến sĩ Đặng Chí Thông

                                                                                                 ( Trang: Đại  học văn hóa nghệ thuật quân đội )

 

icon

Lượt xem: 3928